MƯA GIÓ
Lý Viễn Giao
Đầy trời gió lạnh quát từng thôi
Giọt giọt bên thềm thánh thót rơi
Ngắm gió chạnh lòng cay khóe mắt
Nhìn mưa nghiêng dạ chát bờ môi
Phong trần xáo lộng cơn thao thức
Mộng mị ru êm giấc thảnh thơi
Mưa gió mịt mù xoay xoáy lốc
Gió mưa trời đất gió mưa đời
Bài họa:
Lý Đức Quỳnh
Tích tắc từng giây tiếp tiếp thôi
Thu không đầu cuối lá rơi rơi
Dịu dàng nguyệt lãng trăng ngời mắt
Thanh thoát phong phiêu gió loáng môi
Vượt sóng trầm luân nào thảng thốt
Xoay vòng nghiệp chướng cũng thong thơi*
Xả buông dang dở từ ngang trái
Thõng thượt ngày đi nhẹ bước đời !
*Lời thưa:
-Do có chỗ chưa ổn,lòng mãi phân vân.Dẫu bài đã lên trang Quỳnh vẫn còn cân nhắc.Nay được thêm đôi điều thưa với quý anh chị và bạn hữu cùng chia sẻ.
-Xướng họa trong Đường thi là một thú chơi thơ tao nhã.Nó có những phép tắc hạn cuộc,đó cũng chỗ khó để người chơi phải vượt,tạo thêm phần hứng khởi.Lắm lúc cũng bị "chiếu bí" bởi tử vận.Trong bài trên là ở từ"thảnh thơi",từ láy âm,nếu tách thành tố"thơi"ra,tự thân nó không có nghĩa,và cũng không trùng với từ đồng âm nào khác có nghĩa (như:bẽ bàng,bàng trùng nghĩa với cây bàng;lỡ làng,làng trùng nghĩa với làng mạc),nên khi họa là cả một thử thách lớn.Ví dụ:trong một bài thơ với vần"ang"chứa các từ sau:dịu dàng,nhẹ nhàng,khẽ khàng...chắc chắn người họa phải bó tay.com thôi.
Để tránh lặp lại,Quỳnh đã"sáng tạo"ra từ láy:lơi thơi(lơi ở lơi lỏng,lúc đầu họa ở nhà bác Lý,Quỳnh đã sử dụng từ này),thong thơi(thong ở thong thả,thong dong).Cùng tắc biến.Nhưng,ở đây,cùng quẫn sinh liều mạng vậy.Quỳnh rất mong có được cao kiến của quý anh chị và các bạn đóng góp,để được lĩnh hội.Thân ái !