DÂNG CHA
Theo mây , nước lại về non
Chia tay biển , nước về nguồn , ra sông…
Cha như ngọn gió thênh không
Mang về hạt bụi muôn trùng nên con
Cảm ơn cha đến vuông tròn
Cảm ơn trời đất sinh tồn , tồn sinh
Dẫu là phận kiếp điêu linh
Lềnh bềnh trên sóng hải trình xa khơi
Cha cho tiếng khóc chào đời
Mẹ cho câu hát ru lời tháng năm
Để thời gian hóa thâm tâm
Con theo nhật nguyệt vào trong luân hồi
Cha cười san sẻ con vui
Mắt thơ chưa rạng đã bùi ngùi tang
Nghiệp duyên mặc định cưu mang
Mệnh rong ruổi mệnh , thân ràng buộc thân
Cha đi giờ đã mênh mông
Con còn đứng giữa vô cùng niệm hương
Dâng lòng nguyện khắp mười phương
Cha về cực lạc miên trường trong con !
MẸ VỀ AN NGHỈ
Về đâu ? Vời vợi buổi trăng non
Nhắm mắt mà đi , bởi xót con
Đồng Tháp , bến bờ thường lệch lạc
U Minh , khuya sớm chẳng vuông tròn
Mòn tay lượm mót mùa đen bạc
Mỏi bước gieo trồng hạt sắt son
Vượt thoát qua rồi thời úng ngập
Mẹ về an nghỉ cõi thường còn !
Lý Đức Quỳnh_ĐN-2005
*Quỳnh sinh ra ở làng Trừng Hà,huyện Phú Vang,tỉnh Thừa Thiên-Huế.Một ngôi làng nhỏ ven sông,nơi hạ lưu dòng Hương Giang đổ ra đầm phá Cầu Hai (Tam giang) thông qua cửa Tư Hiền hòa vào biển lớn.Làng tuy nhỏ,nhưng có cái tên rất đẹp,rất ý nghĩa:Trừng Hà.Một câu thơ cổ:Trừng hà tịnh như luyện,nghĩa là dòng sông lặng trong như dải lụa ngà.Trừng Hà,dòng sông lặng.Không phải chỉ là cái đẹp yên bình của sông nước trong xanh,đêm đêm ánh trăng thanh sáng ngời rọi tỏa.Dòng sông lặng còn là nguyện ước của ông cha,sau bao nhiêu năm trường chiến tranh sóng gió triền miên xô dạt,trầm luân kiếp người dâu bể,chẳng hề yên;hoài mong có được nơi chốn thanh bình cho con cháu bám rễ sinh sôi,lớn khôn sống được đời người cho ra người.Nguyện ước đau đáu trong lòng,tiền nhân truyền lại người sau gói ghém vào tên làng nhắc nhở.
Gia đình Quỳnh không bám được đất quê,quên lề bỏ thói.Ly hương.Năm 1977,vào vựa lúa miền Tây Nam Bộ.Chẳng thể,miếng trầu mở đầu câu chuyện,phải có thực mới vực được đạo.Hạ tầng khẳng định ưu thế,quyết định cho thượng tầng ý thức.Dấn thân vào cuộc phiêu lưu không cứu cánh,chỉ nắm bắt phương tiện khả dụng,để biện minh cho bậc thềm hạ cấp suy thoái,trong dòng chảy tiến hóa nhân loại.
Bài thơ MẸ VỀ AN NGHỈ,là vài nét phác họa cho hành trình này cùng với mẹ và kết thúc với sự ra đi của mẹ,khi cuộc đời vừa thoát qua “thời úng ngập”.Biết rằng mẹ sẽ rất an vui nhắm mắt mãn nguyện lìa đời,khi đã dìu dắt đàn con thơ vượt ra ngoài những khó khăn vây hãm.Nhưng,nhìn lại phía con,thật xót xa,khi gian nan khổ cực mẹ luôn có bên mình để nâng đỡ.Lúc điều kiện cho phép để phụng dưỡng,đáp đền,mẹ đã không còn.Niềm ray rứt năm tháng dễ gì đã nguôi !
Thú thật khi đăng bài này,quỳnh cũng có ý định viết đôi điều khơi gợi cho rõ ràng thêm những biến động ở miền Nam sau 75,chứ không phải vài dẫn giải trên.Vì nghĩ rằng các bạn trẻ khó thâm nhập sâu vào bài thơ,như những bước đi của những mảnh đời chịu hệ lụy từ tác động tiêu cực mang lại.Giai đoạn nầy chưa có những đánh giá tổng kết,ngoài những manh múng,nhằm rút ra những bài học giá trị lịch sử đích thực.Quỳnh cũng có cái chủ quan mà cho rằng,các sử gia dựa vào tư liệu mà viết,cũng chỉ vẽ lại bộ mặt theo phương cách “tri nhân tri diện”.Phải là người trong cuộc,đã từng lăn lóc lên bờ xuống ruộng,họa may mới biết được mùi vị của nó như thế nào.Người dân làm nên lịch sử,còn sử gia đứng ở đâu đó nhìn,lắm lúc sợ nắng chói chang phải thay năm bảy thứ kiếng đeo,đề phòng bỏng mắt hại mình.Tự vệ là bản năng.Ôi,thiên chức biết tìm đâu?!
Nhân mùa Lễ Vu Lan,Quỳnh cũng lan man đôi chút,khi bên mình chẳng còn mẹ còn cha.Rất mong được cảm thông và lượng thứ!Kính chúc quý anh chị và các bạn an vui trọn lành !