TỰ SỰ
Thế sự phù trầm thoảng bóng vân
Đêm tìm ánh sáng lụy thiêu thân
Tù mù những tưởng chân như cảnh
Lóe tóe nào hay ảo hóa xuân
Mòn kiếp khổ tu chưa hết ngợm
Cạn đời nan dưỡng chửa thành nhân
Làm người đã khó cho riêng phận
Thêm nghĩa tình chung với cuộc trần !
Lý Đức Quỳnh_Đồng Nai
*Nguyên bài Tự Sự là bài họa bên nhà chị Nguyễn Vũ Song Thu.Nhưng do hạn chế bởi vần nên Quỳnh có 2 câu kết không như ý (Làm người khó quá...thôi,thờ phỗng/Tất tật tương lai bái gửi thần).Sáu câu đầu là lời tự sự nghiêm túc,đến 2 câu kết đã trở giọng trào lộng chứa mùi vị cay chua,nhưng nó lại thể hiện sự bế tắc.Một thái độ buông xuôi.Quỳnh phải đổi 2 câu kết cho phù hợp với tinh thần cả bài.Đồng thời khơi nguồn cho mạch ý đến cùng tận của nó có thể.Vừa nói lên được sự nan giải khi giải quyết cái riêng trong quá trình tu chỉnh nhân cách và mưu cầu hạnh phúc cho cuộc sống cá nhân.Vừa đặt ra mối quan hệ giữa cá thể với cộng đồng,trong hài hòa trách nhiệm và nghĩa vụ giữa cái riêng với cái chung.Quỳnh xin chép lại bài xướng của chị Song Thu giới thiệu cùng quý anh chị và bạn hữu cùng đọc.
VẨN VƠ
Ngồi rồi ta ngẫm cái vân vân...
Cơm vợ hài hòa nhẹ tấm thân
Túng tấng nguyệt hoa thêm tổn thọ
Say sưa tửu sắc sớm tàn xuân
Sao bằng đọc sách bình thơ phú
Để được thanh tâm dưỡng trí nhân
Hội nọ hè kia chi mệt xác
An nhiên tự tại thỏa tinh thần
15-4-2015
Song Thu
Dưới đây là những bài họa của các thi huynh Quỳnh đã mời họa và nhận qua email:
1/*TỰ SỰ
Phù du nhẹ lướt với thanh vân
Có dễ con người đến mấy thân (*)
Mà ước cho tan cay đắng phận
Rồi mơ đển vỡ ngậm ngùi xuân
Chi bằng thơ phú thêm tri kỷ
Mới phải gươm đàn biệt cố nhân
Dẫu khó tâm thành nên chí vững
Vinh hoa cho bõ đận phong trần. (**)
Phan Tự Trí Đồng Nai
(*) Một người dễ có mấy thân ( Truyện Kiều – Nguyễn Du, câu số 1005)
(**) Vinh hoa bõ lúc phong trần ( Truyện Kiều – Nguyễn Du, câu số 2287)
2/*BÌNH THƯỜNG NHƯ THỊ !
Chẳng chờ khế hội tợ long vân
Nên quán vô thường cận sắc Thân
Vô đạo lừa người đòi cải dáng
Bất minh bẩy vật muốn hoàn xuân
Khoa trương độ lượng in hàng trí
Khoác lác tinh thần giống bậc nhân
Hãy sống bình thường như thị hiện
Đến đi không ngại giữa hồng trần
Lê Đăng Mành
3/*TÂM SỰ
Thăng trầm thế cuộc tựa phong vân
Thấu tỏ vô minh khiến khổ thân
Vạn pháp chân như đồng nhất thể
Muôn loài sắc tướng biến thành xuân
Tâm bình chẳng ngại mờ chân tánh
Trí tịnh nào lo thiếu thiện nhân
Mạt pháp tới kỳ - đâu biệt nghiệp
Mà chung kiếp nạn cõi dương trần./.
Hồ Trọng Trí
4/*LỜI PHẬT DẠY
Đời người nào khác áng phù vân
Tứ đại kết thành giả hợp thân
Sinh tử in tuồng cơn gió thoảng
Mất còn vốn tựa bóng mưa xuân
Năng tu đâu khó về đường Bụt
Chăm học dễ bề tới nẻo nhân
Phật dạy trong lòng ưa mát mẻ
Thì mau giảm bớt lửa hồng trần
Trần Ngộ
5/*NGHĨA TÌNH TRỌN VẸN
Chức quyền bổng lộc bóng phù vân
Hãy bỏ qua thôi chớ bận thân
Tư tưởng hanh thông luôn thoải mái
Tâm hồn nhàn nhã mãi thanh xuân
Rèn tu phẩm chất tâm hiền thảo
Phấn đấu lòng thành dạ hiếu nhân
Mặc kệ thế gian dù biến đổi
Nghĩa tình trọn vẹn chốn dương trần
Hồ Hắc Hải
6/*CHUYỆN RIÊNG
Cảnh sống tối xầm những vẩn vân
Lang thang mò mẫm khắp dương trần.
Theo binh cũng bởi khôn tìm nghiệp
Thành cán đâu ngờ vẫn nhọc thân.
Ơn chúa giúp cho no cái bụng
Nhờ đời hiểu được rõ từ nhân.
Thoát thời bĩ cực vui cùng trẻ
Tóc điểm mờ sương đón chúa Xuân.
Trần Như Tùng
7/*MẶC …
Kiếp sống đời người tợ áng vân
Nghèo hèn khốn khó chẳng than thân
Thong dong cùng bậu dù muôn nẻo
Tự tại bên lòng dẫu mấy xuân!
Tâm thiện dạt dào vì tích đức
Quả lành tươi tốt bởi gieo nhân
Gánh cơn phiền não nương theo gió
Mặc gót chân ta lắm bụi trần!
Như Thu
8/*SỐNG AN VUI
Trầm luân dục ái bóng phù vân
Thế sự đa đoan não loạn trần
Đắm ước công danh đời vất vả
Si mong phú quý nhạt màu xuân
Bình tâm giữa chốn bôn ba khổ
Ổn dạ cùng nơi chạy vạy thân
Chế ngự tham sân an đạm bạc
Tư lương đức độ nẻo hiền nhân
GM.Nguyễn Đình Diệm
9/*NGHIỆP CHƯỚNG
Nhủ lòng thôi nhé chớ phân vân
Lỡ kiếp lưu đày nhục tấm thân
Vướng nợ trần ai đời rã cánh
Vương tình khổ lụy sớm tàn xuân
Đừng mơ việc lớn nên thần thánh
Hãy ước làm người giữa thế nhân
Khát vọng càng cao càng rối rắm
Mong mau thoát khỏi chốn dương trần ./.
LCT
4/5/2015